Không biết tự bao giờ, hễ cứ nhắc đến bệnh tiêu chết nhanh là có ngay mệnh đề phụ - không có thuốc trị, vô phương cứu chữa. Thế nhưng thực tế đang xảy ra ở Cẩm Mỹ (Đồng Nai) lại không phải vậy.
Một lô hồ tiêu 0,8 ha, năm ngoái anh Nguyễn Vui ở ấp 3, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai thu được 4,8 tấn. Thế nhưng năm nay, cả lô bỗng rũ lá. Nghe bạn bè và người bán thuốc BVTV chỉ, anh chạy mua thuốc Mocap về đổ gốc, mua Aliet về phun lá, mua sun phát đồng về bôi thân, nhưng tất cả đều chẳng ăn thua. 80% hồ tiêu của anh bị chết vì bệnh thối gốc rễ… Cuộc sống gia đình từ trước đến nay nhờ hồ tiêu mà nuôi 3 con ăn học của anh đang có nguy cơ trắng tay.
Đâu chỉ có anh Vui, đâu chỉ có Lâm San mà cả huyện Cẩm Mỹ đi đâu cũng nghe râm ran chuyện tiêu chết. Với 2.500 ha, so với cao su, điều thì diện tích tiêu không phải lớn nhưng lại chiếm tỷ lệ không nhỏ trong cơ cấu thu nhập, năm ngoái cây tiêu đã mang về cho người dân Cẩm Mỹ hơn 120 tỷ từ bán hạt tiêu. Và hy vọng năm nay sẽ đạt 150 tỷ nhờ lên giá. Trong 13 xã của Cẩm Mỹ thì Lâm San có diện tích lớn nhất, là nơi thích hợp với cây tiêu và cũng là nơi có năng suất cao nhất, trong lúc năng suất bình quân của toàn huyện đạt 1,8 T/ha thì Lâm San lên tới 2,8 T/ha, bởi vậy khi có hơn 150 ha trong tổng số 590 ha tiêu của xã này bỗng như có ai dội nước sôi vào đã tạo nên cơn sốc nhốn nháo cho cả xã. Ông Nguyễn Mạnh Hồi, ấp 4 Lâm San có 1,4 ha tiêu đã chết 45 gốc và lây lan rất nhanh. Ông Hồi bất lực nói với cán bộ khuyến nông - Đừng có động viên tôi kiểu rứa. Tôi cũng nghe nhiều, bệnh ni do nấm phy tốp không có thuốc trị, người ta hiến xác còn được huống chi mấy gốc tiêu, thôi thì tiêu đấy, các anh chị muốn làm gì thì làm. Tuy dỗi vậy nhưng ông vẫn cùng cán bộ khuyến nông huyện và cán bộ kỹ thuật của Cty Donatechno, công ty có sản phẩm Agri-fos 400 chọn ra 30 gốc tiêu nơi trũng nhất của vườn đang có dấu hiệu "đi" hàng loạt để thí nghiệm.
Cùng với ông Hồi, ông Trương Đình Bá cũng có vườn tiêu đang chết. Ông Bá cho biết, các triệu chứng xuất hiện vào cuối mùa mưa, nhưng phải đến đầu tháng 12 mới bộc phát "đi" hàng loạt. Ông Bá cũng chọn 30 gốc tiêu gần vườn điều, nơi tiếp giáp với những cây tiêu đang héo rũ. Trong 30 cây của ông Bá có 1 gốc bắt đầu héo, 2 gốc bắt đầu vàng lá, 1 gốc đã chết 2 dây, còn lại chưa có biểu hiện nhưng theo ông Bá thì chỉ 10 ngày sau sẽ chết như những cây đã chết trước đó. Cả ông Hồi và ông Bá đều tự tiến hành thí nghiệm của mình theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Cty Donatechno, chia làm 3 lần xử lý, mỗi lần cách nhau 10 ngày theo cách vừa phun qua lá, vừa đổ vào gốc.
Sau 40 ngày, kết quả bất ngờ ngoài sự mong đợi. 30 gốc tiêu của ông Hồi chỉ có 5 gốc chết, còn lại 25 gốc vẫn phát triển bình thường, lá vẫn xanh và quả vẫn no. Theo ông Hồi, 5 gốc chết là 5 gốc mà ông thử chỉ phun lá mà không đổ thuốc vào gốc. Trong lúc đó, số tiêu còn lại không xử lý thuốc tiếp tục chết thêm hơn 40 gốc nữa. Tại vườn ông Bá, chỉ có 2 gốc bị chết, 28 gốc còn lại đều có dấu hiệu bệnh chựng lại sau đó hồi phục bình thường, nhiều cây đã bắt đầu đâm chồi mới. Gốc tiêu đã chết 2 dây vẫn chỉ 2 dây chết, 2 dây còn lại vẫn xanh tươi.Số tiêu còn lại không xử lý thuốc tiếp tục chết. Không chờ cán bộ kỹ thuật đánh giá kết quả, ông Bá tự mua 29 lít thuốc Agri-fos 400 để kịp cứu vườn tiêu. Hôm 24/1, hơn 100 nông dân của huyện Cẩm Mỹ đã vui mừng khôn xiết khi tận mắt chứng kiến vườn tiêu của anh Bá kĩu kịt quả và không chết thêm một dây tiêu nào khác Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết, lãnh đạo huyện rất lo lắng và bồn chồn về dịch bệnh chết nhanh trên tiêu, toàn huyện đã có hơn 600 ha bị chết, gây tổn thất không nhỏ cho bà con nông dân và huyện đã chủ động cùng với Cty Donatechno tiến hành các thí nghiệm trên. Agrifos 400 trị được bệnh chết nhanh trên tiêu là quá rõ, vấn đề còn lại là khi đã trị dứt được bệnh thì cần có quy trình kỹ thuật canh tác chặt chẽ để đảm bảo cho các vườn tiêu không tái nhiễm. TS Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Bộ môn BVTV của Viện NC Cây ăn quả miền Nam, chuyên gia về nấm Phytopthora cho biết Agri-fos 400 là loại thuốc đặc trị nấm Phytophthora, thực tế 5 năm qua cho thấy thuốc có hiệu quả rất cao trong việc phòng và trị các bệnh thối rễ, thối trái, xì mủ trên cây sầu riêng và chắc chắn cũng sẽ có hiệu quả cao với những cây trồng khác khi bị nấm bệnh Phytopthora tấn công. Riêng về cây tiêu, ngoài việc sử dụng Agri-fos 400 để ngừa cần chú ý tạo môi trường thuận lợi cho các nấm có ích đối kháng với nấm Phytopthora phát triển bằng cách không lạm dụng phân hóa học, sử dụng nhiều phân hữu cơ hoai mục (tốt nhất có trộn 30% phân gà), hoặc phân vi sinh có chủng nấm Trichoderma. Cần thiết kế hệ thống thoát nước tốt để chống nước chảy tràn, dư độ ẩm trong mùa mưa.
- AGRI-FOS 400 có hoạt chất là Phosphorous acid, xuất xứ từ Úc, là loại thuốc đặc trị nấm Phytophthora. Theo Quyết định số 23/2002/QĐ/BNN ngày 26/32002 của Bộ NN-PTNT, Agrifos 400 được đặc cách sử dụng tại VN để trừ bệnh thối rễ trên cây sầu riêng theo cách bơm thuốc trực tiếp vào bó mạch của cây.
- Agri-fos 400 do Cty Phát triển công nghệ sinh học (DONOTechno) nhập khẩu và phân phối tại VN.
- Để trừ bệnh chết nhanh cho hồ tiêu theo khuyến cáo của nhà phân phối, chia làm 3 lần, cách nhau 10 ngày. Lần 1: Lấy 5 ml thuốc pha 4 lít nước tưới gốc + 40 ml thuốc pha 10 lít nước phun lá; lần 2: Lặp lại lần 1; lần 3: Lặp lại tưới gốc, riêng phun lá cần kết hợp với phân bón lá giàu vi lượng để cây tiêu chóng phục hồi.
Đã có thuốc trị bệnh hồ tiêu chết nhanh