I.CÔN TRÙNG GÂY HẠI CHÍNH
1.Rệp sáp (Pseudococcus
citri)
a.Hình thái :
- Còn gọi là rệp phấn hoặc rệp
bông trắng.
- Rệp cái trưởng thành hình bầu dục, không cánh, dài 2,5-5mm, ngang
2-3mm, màu hồng, thân có phủ lớp sáp trắng, quanh thân có các tia sáp
dài trắng xốp. Rệp đực trưởng thành dài khoảng 1mm, màu xám nhạt, có một
đôi cánh mỏng. Rệp trưởng thành hầu như không di động, di chuyển từ nơi
này sang nơi khác nhờ kiến sống cộng sinh. Rệp đẻ hàng trăm trứng và nở
con dưới bụng. Rệp non mới nở màu hồng, hình bầu dục, di chuyển tìm nơi
sống cố định, vài ngày sau trên mình xuất hiện lớp bột sáp trắng và tua
sáp ở phía đuôi.
b.Triệu chứng gây hại :
- Xuất hiện nhiều trong mùa nắng là loại sâu hại nguy hiểm nhất đối với
cây tiêu.
- Rệp thường sống tập trung, gây hại ở gié bông, gié trái, ngọn non,
cuống lá, mặt dưới lá. Rệp chích hút nhựa cây, nếu mật số cao, cây tiêu
sinh trưởng kém, cằn cỗi, khô héo, chùm quả héo và rụng non. Chất bài
tiết của rệp là môi trường cho nấm bồ hóng đen phát triển, bám đen cả
cành lá và vỏ trái, làm giảm quang hợp và giảm giá trị sản phẩm.
- Ngoài ra, kiến đỏ, kiến đen tha rệp đi chui xuống đất bám vào hút dịch
ở gốc thân, cổ rễ, mật số rệp tăng dần lên theo thời gian. Khi rệp phá
hại lâu ngày ở rễ, chúng cộng sinh với loài nấm Bornetina ở trong đất,
sợi nấm kết thành lớp dày tạo thành những khối u lớn có bề mặt xù xì màu
trắng xám gọi là măng xông bao quanh các đoạn rễ, bên trong có rất
nhiều rệp đủ các lứa tuổi đang bám chặt vào mặt rễ đã bong tróc hết vỏ
để chích hút. Rễ bị hại nặng, cây tiêu rất cằn cỗi, lá vàng, ra hoa kết
trái rất kém rồi héo dần và chết do bộ rễ bị phá hủy do không còn khả
năng hút nước và chất dinh dưỡng nuôi cây.
- Trên các cây tiêu bị suy yếu do rệp phá hại, các loại nấm bệnh xâm
nhập nhiều hơn làm tác hại càng nặng hơn.
c. Phòng trừ :
- Kiểm tra thật kỹ hom tiêu trước khi trồng.
- Cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành già, cành tược nằm trong tán lá để
vườn cây thông thoáng.
- Dọn sạch cỏ rác, lá cây mục ở xung quanh gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của
kiến.
- Mùa nắng dùng vòi bơm nước phun vào chổ có nhiều rệp đeo bám có tác
dụng rửa trôi bớt rệp, đồng thời tạo ẩm độ trên cây làm giảm mật số rệp.
- Thường xuyên kiểm tra 10 ngày/lần để phát hiện sự xuất hiện của rệp
sáp ở trên lá, cành, chùm quả, thân, phần thân giáp với mặt đất và phần
rễ trong đất. Nếu thấy có rệp dù ở mật số thấp cũng phải diệt trừ ngay
vì rệp sáp sinh sản rất nhanh.
Trừ rệp sáp trên lá và chùm
quả : cần phun thuốc kỹ để thuốc bám và thấm qua lớp
sáp, phải phun thuốc 2 lần cách nhau 7-10 ngày để diệt tiếp lứa rệp non
mới nở từ trứng được che ở dưới bụng rệp mẹ. Có thể dùng nước xà bông
rửa chén pha 15-20 ml/bình 8 lít phun ướt đều nơi rệp đeo bám, ngày hôm
sau phun thuốc.
+ Oncol 20EC, Nurelle D 25/2.5EC : 25-30ml/ bình 8 lít
+ Cori 23EC: 20 ml/bình 8 lít
+ Mospilan 3EC: 15 ml/bình 8 lít nước ; Mospilan 20SP : 2,5 g/bình 16
lít
+ Elsan 50EC: 30 ml/bình 8 lít
+ Applaud 10WP : 20-25 g/bình 8 lít nước ; Applaud 25SC : 8-12 ml/bình 8
lít
+ Dầu khoáng Citrole 96.3EC: 40 ml/bình 8 lít
Trừ rệp sáp hại rễ :
+ Oncol 20EC: pha 40 ml/10 lít nước, tưới vào vùng rễ 3-5 lít dung dịch
thuốc cho một gốc tùy theo cây lớn nhỏ. Nếu đất khô, tưới nước một ngày
trước khi tưới thuốc để đất có đủ ẩm độ giúp cho thuốc dễ khuếch tán
xuống tới vùng rễ bị rệp sáp gây hại. Ngoài ra, Oncol 20EC còn có hiệu
quả cao diệt trừ tuyến trùng hại rễ.
+ Lorsban 15G : xới quanh gốc sâu 10 cm, phá bỏ tổ đất khô cứng quanh
nọc tiêu, rắc thuốc 20-30 g/gốc, sau đó phủ đất và tưới đẫm nước cho
cây.
2.Rệp muội đen (Toxoptera
aurantii)
a. Hình thái :
- Có 2 loại rệp không cánh
và có cánh. Rệp trưởng thành không cánh cơ thể trần trụi, hình quả lê
dài 1,5-2 mm, màu đen hoặc hơi đỏ. Trong một ổ rệp có vài con rệp có
cánh, phần bụng màu đen, cánh mỏng và trong suốt, thường phát sinh khi
mật độ rệp quá cao nó có chức năng bay đi tìm nơi sinh sống mới để tạo
ra ổ rệp mới khi ổ rệp cũ gặp điều kiện bất thuận như nguồn thức ăn cạn
kiệt. Rệp non màu hơi nâu.
- Trong điều kiện nóng ẩm vùng nhiệt đới, một rệp cái đẻ trung bình
30-50 con và chỉ sau 7-10 ngày rệp non lại trở thành rệp cái và đẻ con,
cho nên ổ rệp hình thành rất nhanh chóng.
b.Triệu chứng gây hại :
- Rệp muội sống tập trung ở các chồi non, lá non, trái non hút nhựa làm
và lá non xoăn lại, cây tiêu chậm phát triển, các lá tiêu cong queo dị
hình, quả bị khô héo. Trong quá trình sinh sống, rệp tiết ra chất thải
là môi trường phù hợp cho nấm bồ hóng phát triển và dẫn dụ kiến. Quan
trọng và nguy hiểm hơn là rệp muội lan truyền bệnh virus từ cây tiêu
bệnh sang cây tiêu khỏe.
c. Phòng trừ :
- Vệ sinh vườn sạch sẽ.
- Chăm sóc để cây tiêu sinh trưởng tốt, phát triển khỏe mạnh.
- Khi rệp phát sinh nhiều phun thuốc trừ rệp muội, chú ý phun ướt đều
nơi rệp đeo bám.
+ Oncol 20EC, Hopsan 75ND : 25-30 ml/bình 8 lít
+ Fastac 5EC, Cyper 25EC, Mospilan 3EC : 10 ml/bình 8 lít
+ Lannate 40SP : 12-24 g/bình 8 lít
+ Sumi Alpha 5EC : 5 ml/bình 8 lít
+ Sumithion 50EC : 15-25 ml/bình 8 lít
3.Tuyến trùng :
a. Hình thái :
- Loài tuyến trùng phá hại tiêu
thường gặp nhất là Meloidogyne incognita. , Radopholus similis. Ngoài ra
còn một số loài khác như Rotylenchulus remiformis, Uliginotylenchus,
Tylenchus sp., Xiphinema sp.…
- Tuyến trùng kích thước cơ thể rất nhỏ, chỉ khoảng 0,5 mm.
b. Triệu chứng gây hại :
- Tuyến trùng sống trong đất, đục lổ chui vào sinh sống bên trong rễ,
chích hút dịch cây và tạo thành các bướu rễ. Bộ rễ có bướu phát triển
kém, đen từng đoạn và thối dần từ dưới lên.
- Cây tiêu bị tuyến trùng hại các
lá phía dưới chuyển màu vàng, dần dần tới các lá phía trên, nhưng lá
không có các đốm màu nâu như các bệnh do nấm. Triệu chứng vàng lá giống
như thiếu đạm nhưng khác với tình trạng thiếu đạm là không vàng nguyên
đám mà chỉ vàng rải rác từng khoảng của cây bị bệnh mà thôi. Cây tiêu
sinh trưởng kém, lá bị vàng khô, xơ xác và cuối cùng cả cây bị chết khô,
nhổ lên dễ dàng do bộ rễ đã bị phá hủy. Vào mùa nắng, cây tiêu bị khô
héo rất nhanh.
- Sau khi bị tuyến trùng tấn công, cây tiêu thường dễ bị nhiễm các nấm
bệnh tấn công như Fusarium, Phytophthora, Rhizoctonia, Pythium gây chết
cây nhanh hơn.
c. Phòng trừ :
- Chọn giống tiêu có khả năng chống chịu được tuyến trùng hoặc nhiễm nhẹ
như giống tiêu Lada Belangtung đã được trồng nhiều năm ở nước ta có
năng suất cao, chất lượng tốt.
- Không lấy hom giống để trồng từ những vườn bị bệnh.
- Diệt sạch cỏ dại, giữ cho vườn tiêu thông thoáng.
- Tưới nước đầy đủ nhưng tuyệt đối tránh ngập úng, nhanh chóng tiêu nước
khi mưa to.
- Tăng cường phân chuồng và phân hữu cơ hoai mục, có bón thêm vôi bột để
làm đất bớt chua.
- Trồng cúc vạn thọ ở xung quanh gốc tiêu và giữa hai hàng tiêu, khi cây
cúc ra hoa nhổ cây băm nhỏ rồi vùi lấp xung quanh gốc tiêu cũng có tác
dụng hạn chế tuyến trùng.
- Nhổ bỏ cây bệnh nặng tiêu hủy, thu gom hết rễ, rắc vôi và thuốc trừ
tuyến trùng.
- Dùng thuốc trừ tuyến trùng Oncol 20EC pha 50 ml/10 lít nước :
+ Tưới vào mỗi hố 4-8 lít dung dịch thuốc phòng ngừa trước khi trồng.
+ Tưới thuốc thấm sâu vào xung quanh vùng rễ tiêu, cần tưới 2 lần vào
đầu và cuối mùa mưa.
4.Bọ xít lưới (Elasmognathus
nepalensis)
a. Hình thái :
- Bọ trưởng thành màu đen, cơ thể
nhỏ kích thước khoảng 15 x 17 mm, cánh dài quá bụng. Ngực trước kéo dài
ra hai bên và phình tròn ở đầu, tạo với trục cơ thể hình chữ thập, vì
vậy khi bọ xít đậu giống như cây thánh giá nên còn gọi là rầy thánh giá.
Toàn bộ mặt lưng và cánh trước có cấu tạo hình lưới.
- Bọ xít non giống trưởng thành nhưng không có cánh.
b. Triệu chứng gây hại :
- Bọ xít xuất hiện vào thời kỳ cây tiêu ra bông và đậu trái non, thường
vào đầu và cuối mùa mưa.
- Bọ xít núp ở mặt dưới lá non chích hút nhựa lá non, bông và trái, bị
hại nặng cả chùm bông, chùm trái non trở thành màu nâu vàng, bông, trái
non rụng hàng loạt.
c. Phòng trừ :
- Vườn tiêu phải thông thoáng, dọn sạch cỏ.
- Phun thuốc trừ khi bọ xít xuất hiện vào thời kỳ ra bông và có trái
non, chú ý phun kỹ ở mặt dưới lá :
+ Fastac 5EC, Sumi Alpha 5EC : 10 ml/bình 8 lít
+ Nurelle D 25/2.5EC, Hopsan 75 ND, Sumithion 50EC, Ofunack 40EC : 25-30
ml/bình 8 lít.
5. Sâu đục thân (Lophobaris
piperis)
a. Hình thái :
- Bọ trưởng thành có cánh cứng màu nâu đậm, dài
1,5-2 mm, đầu có vòi dài cong xuống vuông góc với thân. Trên lưng và
cánh có nhiều lõm nhỏ.
- Sâu non màu trắng sữa, đầu màu nâu, cơ thể hơi cong.
b. Triệu chứng gây hại :
- Bọ trưởng thành đẻ trứng ở thân, cành tiêu.
- Sâu non đục các đốt thân, đốt cành rồi đục vào trong tạo đường hầm làm
thân, cành dễ gãy ngang hoặc bị héo chết. Chẻ dọc thân thấy sâu non,
thường chỉ có một sâu ở thân hoặc cành bị hại.
- Bọ trưởng thành cắn phá ở cuống chùm bông, chùm trái non làm rụng
bông, rụng trái.
c. Phòng trừ :
- Chăm sóc, bón phân đầy đủ cho cây tiêu sinh trưởng tốt.
- Cắt bỏ các cành nhánh khô héo.
- Phun thuốc khi có bọ trưởng thành xuất hiện hoặc sâu non mới phát sinh
:
+ Oncol 20EC, Nurelle D 25/2.5EC, Sumithion 50EC : 25-30 ml/bình 8 lít
6. Rầy xanh (Empoasca sp.)
a. Hình thái :
- Rầy trưởng thành dài 2-3 mm, thân và cánh
có màu xanh lá mạ.
- Rầy non mới nở có màu xanh vàng, sau chuyển dần sang màu xanh lá mạ.
b. Triệu chứng gây hại :
- Rầy tập trung ở mặt dưới lá và ngọn cây, đẻ trứng ở ngọn và cuống lá
non.
- Rầy chích hút tạo thành những chấm nhỏ màu nâu khô, rìa lá cong và
cháy khô, bị hại nặng cây sinh trưởng kém.
c. Phòng trừ :
- Chăm sóc tốt cây tiêu.
- Khi rầy phát sinh nhiều phun thuốc :
+ Applaud 10WP : 20-25 g/bình 8 lít ; Applaud 25SC : 8-12 ml/bình 8 lít
+ Mospilan 3EC : 10-15 ml/bình 8 lít ; Mospilan 20SP : 2,5 g/bình 16 lít
+ Hopsan 75ND, Nurelle D 25/2.5EC : 20-25 ml/bình 8 lít
+ Fastac 5EC : 10 ml/bình 8 lít
7. Bọ cánh cam (Anomala sp.)
a. Hình thái :
- Bọ trưởng thành có cánh cứng màu
xanh óng ánh, dài khoảng 20 mm, trên cánh có nhiều chấm nhỏ xếp thành
hàng dọc.
- Sâu non màu trắng sữa, đầu màu nâu vàng, khi nằm yên cong hình chữ C.
b. Triệu chứng gây hại :
- Bọ trưởng thành đẻ trứng trong đất. Sâu non sống trong đất ăn gặm rễ
tiêu.
- Bọ trưởng thành ban ngày ẩn trong tán lá hoặc dưới đất, ban đêm bay ra
ăn lá và quả non, làm lá xơ xác, giảm sản lượng.
c. Phòng trừ :
- Dọn sạch cỏ dại, cây lá mục trong vườn.
- Không bón phân hữu cơ chưa ủ hoai mục.
- Rải thuốc trừ sâu Lorsban 15G xuống đất quanh gốc cây tiêu : 20-30
g/gốc.
- Khi bọ trưởng thành phát sinh gây hại phun các thuốc trừ như sâu đục
thân. Phun thuốc lúc chập tối khi bọ trưởng thành bay ra hoạt động.
8. Mối (Coptotermes sp.)
a. Hình thái :
- Mối chúa màu nâu, dài 40-50 mm, mối thợ và
mối lính dài 3-4 mm.
- Mối lính có hàm dưới phát triển, đầu có hạch độc tiết ra chất dịch có
tính acid để đục gỗ.
b. Triệu chứng gây hại :
- Mối sống quần thể trong tổ ngầm dưới đất, một bộ phận của mối thợ và
mối lính đi kiếm ăn, khi đi chúng tạo thành đường mui đất trên dây tiêu,
rễ tiêu, trên cây choái.
- Mối gặm dây tiêu, rễ tiêu làm cây suy kiệt còi cọc, chết dần.
- Ngoài ra, mối còn tạo điều kiện thuận lợi cho các loài nấm bệnh và
tuyến trùng tấn công cây tiêu.
c. Phòng trừ :
- Trước khi trồng tiêu cần làm đất kỹ, dọn sạch tàn dư gốc rễ của cây
trồng trước, tìm phát hiện phá các tổ mối.
- Thường xuyên dọn sạch không để lá cây, cành cây mục ở trong vườn tiêu.
- Trước khi trồng tiêu xử lý hố trồng : rải 20-30 g/hố thuốc Lorsban
15G.
- Xới đất tơi xung quanh nọc tiêu sâu 10 cm, rải 20-30 g thuốc Lorsban
15G/nọc, lấp đất và tưới nước, kết hợp có thể tưới thêm dung dịch thuốc
Manozeb 80WP (30-40 g/10 lít nước) để ngừa bệnh.
- Cạo bỏ các đường mui trên dây tiêu, phun thuốc kỹ :
+ Nurelle D 25/2.5 EC : 30 ml/bình 8 lít
+ Mospilan 3EC : 15 ml/bình 8 lít
II. BỆNH HẠI CHÍNH
1. Bệnh chết nhanh
a. Tác nhân :
- Do nấm Phytophthora palmivora.
- Nấm P.palmivora có nguồn gốc thủy sinh nên chúng ưa thích và rất cần
sự ẩm ướt để sinh sản, phát triển và gây hại. Bệnh phát triển, lây lan
mạnh trong mùa mưa, nhiệt độ không khí trên dưới 30ºC.
b. Triệu chứng gây hại :
- Bệnh có thể xâm nhập và gây hại ở tất cả các bộ phận của cây từ thân,
lá, hoa, trái cho đến cổ rễ và rễ. Nhưng nguy hiểm nhất và cho cây tiêu
bị chết hàng loạt là khi tấn công vào phần cổ rễ và rễ.
- Triệu chứng là cây tiêu đang tươi tốt thì xuất hiện một ít lá bị vàng
úa, sau đó các lá tiếp tục bị vàng, cây tiêu héo rũ rất nhanh, có khi lá
héo rũ trên cây đến sáng sớm có thể thấy cây tiêu tươi trở lại do ướt
sương vào ban đêm. Sau đó các đốt thân cũng biến màu thâm đen và rụng.
Hiện tượng rụng lá và đốt thường bắt đầu từ ngọn trở xuống. Bệnh xâm
nhiễm vào cây tiêu bắt đầu ở vùng cổ (ngang mặt đất) hoặc phần bên dưới
mặt đất làm thối cổ rễ và thối đen rễ, sau đó phần hư thối này lan dần
lên trên và cây tiêu biểu hiện các triệu chứng đã nêu . Bênh tiến triển
rất nhanh từ khi phát hiện thấy lá tiêu hơi rũ xuống cho đến khi lá rụng
ào ạt có khi chỉ 5-7 ngày và đến khi tiêu chết hoàn toàn có thể trong
vòng 1-2 tuần.
c. Phòng trừ :
- Kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ và sớm ngay từ khi thiết kế vườn,
chuẩn bị cây giống, bởi vì nếu để đến lúc bệnh đã lan ra mới vội vã mua
thuốc về xử lý thì không thể nào cứu chữa kịp.
- Không lấy giống ở những vườn tiêu đã bị bệnh. Chọn giống tiêu có khả
năng kháng bệnh tốt (giống Lada Belantung có sức chống chịu cao với
bệnh).
- Đất trồng tiêu nên chọn loại đất tơi xốp, đảm bảo ở độ sâu 50-60 cm
không bị đọng nước. Thiết kế vườn, đào rãnh để vườn dễ thoát nước khi có
mưa.
- Thường xuyên vệ sinh vườn tiêu, làm sạch cỏ dại, cắt bỏ bớt các lá
già, các dây lươn ở gốc để cho gốc tiêu thông thoáng.
- Bón nhiều phân hữu cơ ủ hoai (15-20 kg/gốc/năm) và cân đối N,P,K,Ca,
Mg.
- Trong khi chăm xóc, làm cỏ, bón phân cố gắng tránh gây những vết
thương cho gốc tiêu, rễ tiêu để hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh gây
hại.
- Các cây bị nặng cần đào bỏ, nhặt hết rễ tập trung tiêu hủy, rắc vôi 1
kg/hố để diệt mầm bệnh.
- Thường xuyên kiểm tra nhất là vào mùa mưa và đặc biệt ở những vườn đã
từng bị bệnh hại trước đây để phòng trừ bằng thuốc Acrobat MZ 90/600 WP:
+ Phun ướt đều tán cây : 20-25 g/bình 8 lít
+ Tưới gốc và vùng cổ rễ : 20-25 g/8 lít nước, đầu mùa mưa tưới 14
ngày/lần, khi mưa già tưới 7 ngày/lần.
2. Bệnh chết chậm
a. Tác nhân :
- Do nấm Fusarium sp., nhưng
trong nhiều trường hợp là sự kết hợp với các nấm khác như Lasiodiplodia,
Pythium, Rhizoctonia cũng làm thối gốc gây hiện tượng chết chậm cây
tiêu.
- Nấm tồn tại hàng năm ở trong đất, phát sinh phát triển trong đất bón
ít phân hữu cơ, đất chua.
b. Triệu chứng gây hại :
- Cây tiêu có biểu hiện sinh trưởng chậm, lá úa vàng. Lá, hoa, các đốt
và trái cũng rụng dần từ dưới gốc lên ngọn, chứ không rụng và héo từ đọt
xuống như bệnh chết nhanh. Gốc thân cây bệnh có các vết nâu đen, dần
dần vết bệnh lan rộng làm thối lớp vỏ gốc, bó mạch của thân cây hóa nâu.
Khi bệnh nặng, toàn bộ gốc và rễ cây tiêu bị thâm đen, hư thối, sau đó
cây chết khô.
- Thời gian từ khi có biểu hiện bị bệnh đến khi chết có thể kéo dài cả
năm. Bệnh làm chết cả khóm hoặc chỉ chết 1-2 dây.
c. Phòng trừ :
- Áp dụng các biện pháp tổng hợp như bệnh chết nhanh.
- Phun thuốc ngừa nấm bệnh định kỳ một tháng một lần trong mùa mưa, dùng
Polyram 80DF pha 40 g/bình 8 lít, phun kỹ toàn cây.
- Tưới gốc 3-4 lít dung dịch thuốc/gốc vào đầu và cuối mùa mưa :
+ Polyram 80DF + Oncol 20EC : 40 g + 40 ml/8 lít nước
+ Ridozeb 72WP + Oncol 20EC : 30 g + 40 ml/8 lít nước
3. Bệnh thán thư
a.Tác nhân :
- Do nấm Colletotrichum
gloeosporioides.
- Nấm tồn tại trong đất và xác bã thực vật. Bệnh phát triển nhiều trong
điều kiện vườn tiêu chăm sóc kém, thiếu phân bón, tưới nước không đều
trong mùa khô.
b.Triệu chứng gây hại :
- Bệnh gây hại ở bầu ương, cây con, cây đang cho thu hoạch.
- Trên lá vết bệnh là những đốm lớn màu vàng sau chuyển màu nâu và đen
dần, hình tròn hoặc không đều, chung quanh có quầng đen rộng. Bệnh
thường phát sinh ở chóp và mép lá, sau lan rộng vào trong phiến lá. Lá
bị bệnh nặng biến vàng. Bệnh cũng lan sang nhánh làm khô đốt, rụng cành.
Trên bông bệnh làm hạt mới tượng bị khô đen, lép.
c. Phòng trừ :
- Chăm bón đầy đủ cho cây sinh trưởng tốt.
- Khi thấy bệnh chớm xuất hiện phun thuốc phòng trừ, phun kỹ ướt đều tán
lá, cành, quả. Khi bệnh nặng cần phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 10-14
ngày :
+ Bavistin 50FL, Carbenda 50SC : 5-10 ml/bình 8 lít
+ Polyram 80DF, Ridozeb 72WP, Bemyl 50WP : 25-30 g/bình 8 lít
+ Dithane xanh M-45 80WP, Manozeb 80WP : 30-40 g/bình 8 lít
+ Cozol 250EC : 3-5 ml/bình 8 lít
+ Top 70WP : 7-10 g/bình 8 lít
4. Bệnh đen lá
a.Tác nhân :
- Do nấm Lasiodiplodia theobromae.
- Nấm tồn tại ở dạng sợi và bào tử trên tàn dư cây bệnh. Bệnh đen lá phổ
biến ở các vườn tiêu, phát sinh nhiều vào mùa mưa, ẩm độ vườn tiêu cao,
trời nóng, bộ rễ bị úng nước.
b.Triệu chứng gây hại :
- Trên lá vết bệnh xuất hiện ở giữa lá hoặc ở chóp lá những đốm vàng,
nhỏ, sau lớn dần biến màu đen. Khi vết bệnh già màu hơi bạc không có
quầng đen viền quanh (đặc điểm để phân biệt với bệnh thán thư.
- Bệnh hại trên cành nhánh làm đốt thân nâu đen rụng dần từ ngọn trở
xuống làm tán tiêu trơ trụi.
c.Phòng trừ :
- Vệ sinh vườn tiêu sạch sẽ, gốc tiêu thông thoáng.
- Chăm sóc cây tiêu sinh trưởng tốt.
- Cắt bỏ các lá và nhánh bị bệnh nặng, tập trung tiêu hủy.
- Khi bệnh phát sinh dùng thuốc phòng trừ như bệnh thán thư.
5. Bệnh khô vằn
a.Tác nhân :
- Do nấm Rhizoctonia solani.
- Hạch nấm sống hàng năm trong đất, gặp điều kiện thuận lợi mọc ra sợi
nấm để xâm nhập gây bệnh.
- Bênh phát triển mạnh trong mùa mưa, ẩm độ trong vườn cao, nhất là ở
những vườn tiêu rậm rạp.
b.Triệu chứng gây hại :
- Bệnh phát triển từ mặt đất nên hại chủ yếu phần tán lá dưới gốc. Vết
bệnh thường từ mép lá lan vào, vết bệnh loang lổ to nhỏ không đều, xung
quanh viền nâu thẫm. Khi già vết bệnh chuyển màu trắng xám, phồng rộp,
có những hạch nấm nhỏ li ti màu trắng trên bề mặt, sau chuyển màu nâu
đỏ. Trời ẩm ướt thấy trên vết bệnh có lớp tơ trắng.
- Bệnh nặng làm lá bị thối đen , hơi nhũn, cây sinh trưởng kém.
c.Phòng trừ :
- Vệ sinh vườn tiêu thông thoáng, tỉa bớt các lá già, lá bệnh dưới gốc.
- Bón đầy đủ phân hữu cơ.
- Phun thuốc khi bệnh chớm xuất hiện :
+ Bavistin 50FL, Carbenda 50SC : 10 ml/bình 8 lít
+ Bemyl 50WP : 20-25 g/bình 8 lít
+ Top 70WP : 7-10 g/bình 8 lít.
6. Bệnh nấm hồng
a.Tác nhân :
- Do nấm Corticium salmonicolor.
- Bênh nấm hồng phát sinh từ đầu mùa mưa và phát triển kéo dài đến các
tháng cuối năm. Bào tử nấm được sinh sản rất nhanh với khối lượng lớn
phát tán lây lan bệnh. Vào mùa khô bệnh ngừng phát triển nhưng nguồn
bệnh vẫn tồn tại trong bụi tiêu.
b.Triệu chứng gây hại :
- Trên dây chính và các nhánh tiêu, các vết bệnh màu hồng nhạt bao bọc
xung quanh vỏ thân và nhánh, vết bệnh kéo dài tới vài chục cm.
- Sợi nấm phát triển trên mặt vỏ cây, đi sâu vào lớp vỏ cây tiêu để lấy
chất dinh dưỡng và làm suy kiệt dây tiêu, làm héo lá và chết cả nhánh
tiêu, quả bị rụng non.
c.Phòng trừ :
- Đầu mùa mưa làm mương thoát nước tốt.
- Làm sạch cỏ dại, cắt tỉa các dây lươn, các nhánh tiêu vô hiệu...cho
gốc tiêu được thông thoáng.
- Tiêu hủy các dây tiêu có bệnh để trừ nguồn bệnh.
- Phun ngừa hoặc khi bệnh chớm xuất hiện :
+ Bavistin 50F, Carbenda 50SC : 10-15 ml/bình 8 lít
7. Bệnh tiêu điên (bệnh xoắn
lùn, tiêu cằn)
a.Tác nhân :
- Do Virus.
- Virus gây bệnh lan truyền qua các loài sâu chích hút như rầy, rệp, bọ
xít và qua hom giống từ cây bị bệnh, dụng cụ canh tác.Bệnh xuất hiện phổ
biến ở vườn tiêu trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, trong thời kỳ kinh
doanh ít bị bệnh hơn.
b.Triệu chứng gây hại :
- Những cây tiêu bị cằn thường nằm rải rác trong vườn, hiếm khi thấy cả
vườn tiêu bị bệnh.
- Cây tiêu bệnh thấp hơn rõ rệt so với những cây tiêu khỏe xung quanh,
lá cũng nhỏ hơn, bị biến màu xanh vàng loang lổ ở cả hai mặt., lá cứng,
giòn, hơi nhăn nheo gợn sóng. Cây bệnh có đốt thân ngắn lại, căn cỗi, ra
ít bông, tỷ lệ đậu trái thấp, sản lượng hạt tiêu giảm rõ rệt. Bộ rễ kém
phát triển, chỉ có vài sợi rễ ngắn trơ trụi, không thể đảm bảo cho cây
sinh trưởng bình thường.
c.Phòng trừ :
- Khi phát hiện cây bị bệnh cần nhổ bỏ tiêu hủy.
- Không dùng hom giống ở cây bị bệnh.
- Không dùng dao cắt cây bị bệnh để cắt những cây khỏe.
- Phòng trừ tốt các loại rầy, rệp, bọ xít. |