"Bón phân cân đối được hiểu là cung cấp cho cây trồng đúng các chất dinh dưỡng thiết yếu, đủ liều lượng, tỷ lệ thích hợp, thời gian bón hợp lý cho từng đối tượng cây trồng, đất, mùa vụ cụ thể, đảm bảo năng suất"
(Cục khuyến nông và khuyến lâm. Bón phân cân đối và hợp lý cho cây trồng. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội, 1999).
Bón phân hợp lý cho cây là tìm mọi cách để phối
hợp tốt với thiên nhiên để tạo ra sản phẩm có ích cho con người, chứ không phải
là chinh phục, là áp đặt ý muốn của con người lên thiên nhiên.
Nông sản là sản phẩm của quá trình chu chuyển vật
chất trong thiên nhiên, cho nên con người muốn thu hút được nhiều nông sản thì
cần nắm bắt được các quy luật chuyển hoá vật chất và tác động làm cho quá trình
chu chuyển vật chất diễn ra với quy mô lớn, cường độ mạnh, tốc độ nhanh.
Bón phân là để tác động lên quá trình chu chuyển
vật chất trong tự nhiên. Việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng không hoàn
toàn là để cây trực tiếp tạo ra nông sản mà là để phối hợp tốt với thiên nhiên
tạo ra sản phẩm trong quá trình chu chuyển vật chất.
Hai là:
Đối với thiên nhiên mọi tác động chỉ cần vừa đủ,
mọi thứ thừa hay thiếu đều gây hại cho mọi hoạt động bình thường của nó.
Theo cảm tính, nhiều người cho rằng
cái gì đã tốt thì càng nhiều càng tốt, cái gì đã xấu thì càng nhiều càng xấu.
Bón phân quá nhiều hoặc với liều
lượng cao đều gây tai hại cho cây, thậm chí làm cho cây chết. Nguyên tố đồng
(Cu) là phân vi lượng đối với cây, nhưng phun với nồng độ cao (trên 1%) làm cho
lá cây bị cháy. Trong việc bón phân cho cây, điều quan trọng là không những
không để cây bị thiếu đói, mà phải không bón thừa bất cứ chất dinh dưỡng nào
cho cây.
Cần lưu ý là sức chịu đựng cũng như
mức độ tiếp thu các tác động từ bên ngoài của các bộ phận trên cây rất khác
nhau. Đối với một loại phân bón, có thể đối với bộ phận này là thừa nhưng đối
với bộ phận khác lại là chưa đủ. Chính vì thế mà có những loại hoá chất chỉ có
thể bón cho cây vào đất mà không thể phun lên lá được.
Điều đáng
chú ý là cho đến nay, trồng trọt, do tâm lý sợ thiếu cho nên người nông dân đã
làm nhiều việc quá thừa, trong khi đó nhiều việc cần làm lại không biết làm.
Nếu có những hiểu biết đầy đủ hơn về
cây trồng, hiểu được những nhu cầu của cây và con đường mà thiên nhiên thường
đáp ứng nhu cầu cho nó, hiểu được các mối quan hệ giữa các loài sinh vật trong
hệ sinh thái, con người có thể tiết kiệm được bao nhiêu việc làm thừa đồng thời
chỉ cần tiến hành những việc làm thật hợp lý để đạt được những khối lượng nông
sản lớn.
Ba là:
Thiên nhiên còn nhiều điều mà con người chưa biết
hết, vì vậy không được chủ quan khi sử dụng phân bón.
Khoa học ngày càng phát triển nhanh,
thành tựu khoa học ngày càng nhiều nhưng con đường khám phá thiên nhiên đang
còn dài và còn nhiều quanh co khúc khuỷu. Thái độ chủ quan, cho rằng chúng ta
đã có những hiểu biết quá đủ là không phù hợp, là có thể dẫn đến những sai lầm.
Điều đáng lo
ngại là con người coi thường những gì chưa biết trong thiên nhiên và cho
rằng những gì khoa học đã biết đủ cho con người hoạt động theo ý muốn của
mình. Nhiều thất bại trong sản xuất có nguồn gốc từ sự ngộ nhận này.
Để có thể bón phân hợp lý, cần
thường xuyên quan sát và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất. Kinh nghiệm
tích lũy được qua nhiều năm kết hợp với những hiểu biết khoa học, những kết quả
của nghiên cứu khảo nghiệm giúp chúng ta ngày càng nâng cao mức độ hợp lý của
việc bón phân.
Bốn là:
Trong thiên nhiên sống, các loài sinh vật tồn tại
và phát triển trong các mối liên hệ chặt chẽ với nhau và với thế giới không
phải sinh vật.
Các kết quả nghiên cứu khoa học được
tiến hành trong các phòng thí nghiệm, trong các chậu vại, trong các ô thí
nghiệm thường rất xa so với điều kiện môi trường sống của cây trên đồng ruộng.
Nhiều trường hợp, muốn có được kết quả như đã thu được trong phòng thí nghiệm
người ta phải đầu tư rất tốn kém để tạo được môi trường và điều kiện tương tự
như trong phòng thí nghiệm. Khi không có được những điều kiện này, các kết quả
khoa học thường phát huy tác dụng rất kém, thậm chí còn làm nảy sinh nhiều vấn
đề và người nông dân lại phải lao theo để giải quyết. Như thế, phải làm thừa ra
bao nhiêu việc mà đáng lẽ không phải làm.
Thực tế cho thấy: những phương pháp
bón phân nào mà không chú ý đến các loài sinh vật khác trên đồng ruộng, không
chú ý đến các loài sinh vật khác trên đồng ruộng, không chú ý đến các mối quan
hệ chằng chịt giữa chúng với nhau, thì đó chỉ là những việc làm vô nghĩa và có
khi có hại.
Năm là:
Khoa học phân bón giúp ta bón phân hợp lý, tuy
vậy nếu quá chuyên biệt trong lĩnh vực này sẽ làm cho kiến thức hiểu biết của
ta về thiên nhiên trở nên manh mún và có nguy cơ dẫn đến thất bại.
Các ngành
khoa học ngày càng chuyên hoá để đi sâu tìm hiểu kỹ đối tượng nghiên cứu. Người
ta đã chú ý đến tình trạng này và thấy được nguy cơ của siêu hình. Vì vậy, đã
có nhiều cố gắng để liên kết các ngành khoa học, nói đến những khoa học liên
ngành.
Tuy nhiên, việc bón phân hợp lý để
tạo ra năng suất cây trồng cao, bảo vệ tốt môi trường không chỉ đơn thuần là sự
liên kết, sự giao thoa, sự liên ngành của một số lĩnh vực khoa học khác nhau,
mà là sự tìm tòi nghiên cứu trong một lĩnh vực khoa học mà đối tượng của nó là
sự sống, là quá trình tạo thành năng suất kinh tế. Đây là một loại đối tượng
tổng hợp mà càng chia nhỏ ra càng chuyên biệt hoá, càng đi xa khỏi bản chất của
đối tượng nghiên cứu.
Sáu là:
Trong các hệ sinh thái, mỗi tác động từ bên ngoài
đưa vào hệ, thường tạo ra những phản ứng dây chuyền, lan rộng ra trong không
gian theo các mạng lưới dinh dưỡng, năng lượng, thông tin, v.v... và kéo dài
theo thời gian, cho đến khi toàn bộ hệ sinh thái thiết lập được trạng thái cân
bằng mới.
Mỗi hiện tượng xảy ra trong hệ
sinh thái đều là kết quả của nhiều nguyên nhân, mặt khác một nguyên nhân có thể
dẫn tới những kết quả khác nhau.
Từ một hiện tượng là năng suất
cây trồng có thể có một chuỗi các nguyên nhân và kết quả với 7 bậc nhân - quả
(xem sơ đồ 3) khác nhau. Trong thực tế, một hiện tượng xảy ra có thể có nhiều
nguyên nhân. Những nguyên nhân này lại có những nguyên nhân khác đi trước trong
một mạng lưới các sự kiện và yếu tố đan chéo nhau toả ra đến vô tận.
Bón phân cũng như những biện pháp kỹ thuật
canh tác khác nhau, thường không chỉ gây ra một tác động trực tiếp dẫn đến một
kết quả nào đó mà thường có nhiều tác động lên các thành tố trong hệ sinh thái
và có thể dẫn đến những kết quả khác nhau, trong đó có thể có những kết quả mà
con người không ngờ tới.
Do đặc điểm của quá trình phản ứng dây
chuyền và quá trình tiếp nhận các tác động từ bên ngoài vào các hệ sinh
thái mà có thể có những tác động rất mạnh nhưng không gây ra hiệu quả gì đáng
kể, trong khi đó, có những tác động nhẹ nhàng, nhưng được nhân lên trong phản
ứng dây chuyền và tạo nên những hiệu quả rất lớn.
Bón phân hợp lý có thể không cần sử
dụng những lượng phân bón mà có thể đạt được hiệu quả rất cao.
Bảy là:
Đối với thiên nhiên không có cái gì là tốt,
cũng không có cái gì là xấu.
Con người phân biệt ra trong
thiên nhiên có cái tốt, cái xấu. Tốt xấu ở đây được đánh giá trên cơ sở lợi ích
của con người. Từ việc phân chia các sự vật và hiện tượng thành 2 nhóm tốt và
xấu, con người thường cố công để loại trừ, tiêu diệt những cái xấu và nhân lên,
tăng thêm những cái tốt, với hy vọng là thu được lợi ích lớn. Đối với thiên
nhiên, mọi thứ đều có vị trí của nó và cần thiết cho sự hài hoà và phát triển.
Bằng các tác động đưa thêm các cái "tốt" và loại bỏ các cái
"xấu" con người đã phá vỡ cân bằng trong các hệ sinh thái. Và như
vậy, các tác động của con người đã thúc đẩy hoạt động của cơ chế điều tiết
của hệ sinh thái để thiết lập trạng thái cân bằng. Với hoạt động của cơ chế
này, những tác động của con người bị trung hoà và bị triệt tiêu. Hy vọng thu
được lợi ích lớn không những không đạt được, mà những đảo lộn trong hệ sinh
thái có thể dẫn đến nhiều hiệu quả tiêu cực.
Bón phân, con người nghĩ rằng
đó là đưa điều tốt đến cho cây, vì vậy càng nhiều càng tốt. Thế nhưng hiệu quả
của việc bón phân chỉ có thể thu được khi bón hợp lý, có nghĩa là phù hợp với
hoạt động bình thường của hệ sinh thái nông nghiệp. Bón phân không hợp lý sẽ
gặp phải phản ứng chống lại của hệ sinh thái đồng ruộng và chỉ có thể dẫn đến
những hậu quả xấu.
Tám là:
Trong nông nghiệp, không thể cải thiện thể
hữu cơ thống nhất. chỉ bằng cách thay thế từng bộ phận của thể đó.
Cây trồng, hệ sinh thái nông nghiệp
là những hệ thống thống nhất và hoàn chỉnh. Trong hệ thống đó mỗi bộ phận đều
có vị trí và chức năng của mình. Mỗi bộ phận trong hệ thống được quy định không
những chỉ phụ thuộc vào các yếu tố bên trong bộ phận đó, mà còn phụ thuộc vào
các bộ phận kế cận, các bộ phận xung quanh và vào toàn bộ hệ thống.
Bón phân cho cây trồng chúng ta muốn
tăng chất dinh dưỡng cho cây để tạo ra nhiều sản phẩm cho con người. Tuy nhiên
cây trồng là một bộ phận của hệ sinh thái đồng ruộng. Chúng ta không thể cải
thiện một bộ phận của hệ sinh thái là cây trồng mà không tính gì đến các bộ
phận khác của hệ sinh thái đó. Nhiều trường hợp bón phân không mang lại kết quả
là do chúng ta gặp phải những phản ứng điều tiết của hệ sinh thái.
Bón phân hợp lý là có tính toán đầy
đủ đến các yếu tố trong hệ sinh thái, tạo sự hài hoà trong toàn bộ hệ sinh thái
đồng ruộng đồng thời thúc đẩy các hoạt động của toàn bộ hệ sinh thái hướng tới
việc tạo ra năng suất cao.
Chín
là:
Nền nông nghiệp tiến bộ phải là nền nông nghiệp
nuôi dưỡng được con người cả thể xác lẫn tinh thần.
Bón phân là để làm tăng năng suất
cây trồng. Năng suất đó phải đáp ứng được nhu cầu của con người. Vì vậy, nếu
phân bón còn để lại dư lượng trong nông sản, nếu trong nông sản có nhiều NO3,
nhiều kim loại nặng thì nông sản không đáp ứng được nhu cầu của con người.
Phân bón có ảnh hưởng rất lớn đến
chất lượng nông sản. Đối với các sản phẩm cây công nghiệp, cây dược liệu, cây
hương liệu, cây tinh dầu v.v... bón phân không hợp lý có thể làm giảm phẩm chất
nông sản rất đáng kể.
Phân bón có ảnh hưởng rất lớn đến
khả năng cất giữ, bảo quản và chuyên chở nông sản. Sản phẩm rau quả chứa nhiều
đạm, nhiều nước rất chóng bị hỏng.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của con
người về vật chất, nông nghiệp còn đáp ứng nhu cầu của con người được lao động,
được tiếp xúc với thiên nhiên, được khám phá những điều bí ẩn của tự nhiên. Bón
phân không hợp lý thường để lại trong môi trường đất, nước, không khí những dư
lượng phân bón có ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ, đến tâm trạng con người.
Càng ngày việc thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần của con người càng tăng lên.
Vai trò của nông nghiệp trong việc đảm bảo ổn định cuộc sống, ổn định xã hội
cũng ngày một được nâng cao.
Bón phân hợp lý không những phát huy
đến mức cao hiệu quả của phân bón mà còn đảm bảo cho môi trường trong lành và
thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng tiến bộ.
Mười là:
Cần có cách nhìn toàn diện, đừng để bị hoàn cảnh
lung lạc.
Trong hoạt động sản xuất nông
nghiệp, khi tiếp xúc với bất kỳ loại cây trồng nào cũng không thể tách rời
chúng ra khỏi điều kiện sống của nó mà phải có cách nhìn toàn diện và đặt đúng
vị trí của nó trong hệ sinh thái đồng ruộng. Thông thường người làm nông nghiệp
chỉ biết có cây trồng mà quên mất cây trồng tồn tại và phát triển trong hệ sinh
thái.
Kết quả của sản xuất nông nghiệp
thường chịu ảnh hưởng rất lớn của điều kiện cụ thể từng địa phương cũng như
điều kiện khí hậu thời tiết của từng năm. Người nông dân thường lấy kinh nghiệm
sản xuất của năm nay để áp dụng cho năm sắp tới.
Như vậy, việc tiến hành sản xuất
nông nghiệp của nông dân thường chịu ảnh hưởng của cái nhìn hẹp và ngắn.
Muốn đạt được kết quả tốt, người
nông dân cần có cái nhìn toàn diện đồng thời cần biết cách thoát ra khỏi hoàn
cảnh cụ thể của một năm sản xuất, không để cho hoàn cảnh lung lạc mình và phải
có cách nhìn vượt lên trên không gian và thời gian, cố gắng đi vào bản chất của
các hiện tượng. Cách nhìn này không phải là không dựa trên cơ sở thực tế mà là
cách nhìn xuyên sâu vào bản chất của thực tế, làm cho thực tế hiện rõ lên,
không bị những nhiễu loạn nhất thời làm che mất bản chất.
Bón phân hợp lý là tìm ra những kết
luận từ việc phân tích toàn diện hệ sinh thái nông nghiệp, phân tích thực chất
các hiện tượng đã diễn ra, dự báo những hiện tượng và trạng thái có thể xuất
hiện trong vụ tới để đề ra giải pháp bón phân mang lại hiệu quả cao nhất về
kinh tế, xã hội cũng như môi trường.